PHƯƠNG PHÁP LUẬN VÀ CƠ SỞ DỮ LIỆU

Để hoạt động quản lý Nhà nước (QLNN) về công nghệ chính xác và hiệu quả đòi hỏi phải có các công cụ chính sách hỗ trợ linh hoạt, đó là tiền đề cho tăng trưởng và phát triển bền vững. Trong thời gian vừa qua, công tác QLNN về KH&CN nói chung của Tỉnh Tiền Giang và QLNN về công nghệ nói riêng đã đạt được những thành tựu trên nhiều lĩnh vực: công nghiệp, lâm nghiệp, chế biến, bảo vệ môi trường…, góp phần làm thay đổi bộ mặt của kinh tế địa phương; điều đó ngày càng khẳng định vai trò quan trọng hơn bao giờ hết đối với công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh Tiền Giang nói riêng và của đất nước nói chung. Bên cạnh những thành công đạt được, cũng nhìn nhận được một số hạn chế trong công tác QLNN về công nghệ thời gian qua.
Trong bối cảnh phát triển mới cho thấy có nhiều thách thức trong công tác QLNN về quản lý, đầu tư đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp. Sau khi Luật KH&CN (2013) có hiệu lực, các quan điểm trong công tác quản lý công nghệ đã có rất nhiều đổi mới. Nhiều chương trình quốc gia về phát triển công nghệ như Chương trình đổi mới công nghệ Quốc gia đến năm 2020, Chương trình nông nghiệp công nghệ cao, Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020,..... đặt ra mục tiêu rõ ràng cho phát triển công nghệ trong thời gian tới. Nhiều văn bản pháp luật khác đã ban hành tác động trực tiếp đến công tác QLNN về công nghệ tại các địa phương như Thông tư liên tịch số 29/2014/TTLT-BKHCN-BNV ngày 15/10/2014 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về khoa học công nghệ thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Thông tư 04/2014/TT-KHCN ngày 08/04/2014 Quy định về việc hướng dẫn về đánh giá trình độ công nghệ sản xuất;
Về phía các doanh nghiệp, đang tồn tại quan niệm sai lầm cho rằng việc đổi mới công nghệ là mua sắm máy móc thiết bị tiên tiến mà không quan tâm đến các yếu tố đào tạo về con người, cải tiến bộ máy tổ chức, tổ chức và sử dụng thông tin, dẫn đến mua về những công nghệ không phù hợp, gây lãng phí, không chú trọng và có mức đầu tư thích đáng cho công tác nghiên cứu và phát triển công nghệ mới. Vấn đề đặt ra là, việc quyết định lựa chọn, đầu tư đổi mới công nghệ cần phải có bước nghiên cứu tiếp theo, cụ thể hóa việc tính toán, công cụ hỗ trợ cho nhà quản lý như phần mềm tự động xử lý tính toán, cập nhật phương pháp đánh giá, thông tin về trình độ công nghệ, phân tích hiệu quả công nghệ dựa theo tiêu chí, chỉ số nhất định….
Có thể thấy, nhu cầu công tác đánh giá hiện trạng năng lực, trình độ công nghệ bắt nguồn từ chủ trương của Bộ Khoa học và Công nghệ muốn tăng cường công tác đánh giá và quản lý hiện trạng công nghệ ở các tỉnh, thành phố, để phục vụ tốt hơn cho việc hoạch định kế hoạch phát triển. Tại Thông tư số 04/2014/TT-BKHCN “hướng dẫn đánh giá trình độ công nghệ sản xuất”, Điều 13, Khoản 1 của Thông tư đã nêu rõ: “Căn cứ vào yêu cầu của từng ngành, từng địa phương, định kỳ theo kế hoạch 5 năm, các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện việc đánh giá TĐCN sản xuất thuộc phạm vi quản lý của mình và gửi báo cáo kết quả đánh giá TĐCN sản xuất về Bộ Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu chung toàn quốc”. Ngoài ra, nhu cầu còn bắt nguồn từ mong muốn của chính các địa phương trong đó có tỉnh Tiền Giang muốn tạo cơ sở đánh giá để xây dựng chiến lược khuyến khích đầu tư công nghệ cao, đặc biệt là đầu tư nước ngoài theo khuyến cáo của Thủ tướng Chính phủ là phải “khuyến khích các nhà đầu tư đổi mới công nghệ”.
     Kể từ khi Thông tư được ban hành đến nay nhiều địa phương trên toàn quốc đã và đang thực hiện  với sự hỗ trợ tư vấn triển khai của Viện Đánh giá Khoa học và Định giá Công nghệ như: Sở KH&CN TP.Đà Nẵng triển khai đánh giá 06 ngành kinh tế chủ lực năm 2014; Sở KH&CN tỉnh Lạng Sơn triển khai năm 2015; Sở KH&CN tỉnh Yên Bái tiến hành đánh giá trình độ công nghệ của 2 ngành trên địa bàn tỉnh là: ngành công nghiệp khai thác chế biến gỗ và lâm sản (khai thác và chế biến gỗ) và ngành công nghiệp thực phẩm (chế biến chè) năm 2015 và các ngành khác năm 2016; Sở KH&CN tỉnh Quảng Nam triển khai đánh giá 06 ngành năm 2015-2016; Sở KH&CN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tầu năm 2015-2016.v.v.
     Vì vậy, nhằm nâng cao tính chính xác, hiệu quả việc xác định trình độ công nghệ của tỉnh Tiền Giang, việc thực hiện đề tài “Điều tra đánh giá trình độ công nghệ của các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang” sẽ đáp ứng các nội dung:
- Xác định hiện trạng trình độ công nghệ sản xuất của 150 doanh nghiệp thuộc 06 nhóm ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, dựa trên dữ liệu điều tra cụ thể và phân tích có hệ thống;
- Thiết lập lại cơ sở dữ liệu và xây dựng lại Web về trình độ công nghệ của các doanh nghiệp trên địa bàn phục vụ cho công tác quản lý, cập nhật thông tin và nghiên cứu hoạch định chính sách phát triển KT-XH của tỉnh Tiền Giang; Trong các năm tiếp theo, tùy theo điều kiện cụ thể, sẽ triển khai cập nhật và đánh giá tổng thể các ngành công nghiệp của tỉnh Tiền Giang. Qua đó, làm cơ sở cho việc xây dựng và đánh giá hiệu quả cho các quy hoạch chuyên ngành; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ Sở hữu trí tuệ, đổi mới công nghệ...; tạo đà gắn kết với các địa phương trong cả nước tạo định hướng phát triển công nghệ chung trên toàn quốc.
Nguyên tắc đánh giá trình độ công nghệ sản xuất theo Hướng dẫn tại Thông tư 04/2014/TT-BKHCN được thực hiện trên cơ sở xem xét mức đạt được của các tiêu chí thuộc bốn nhóm thành phần cơ bản T, H, I, O của công nghệ.
Về mặt định lượng, sử dụng thang điểm chung (100 điểm) để đưa về cùng một mặt bằng đánh giá. Căn cứ vào tổng số điểm đạt được của các tiêu chí để phân loại trình độ công nghệ. Điểm của các tiêu chí sẽ được xác định theo số liệu điều tra, thu thập tại doanh nghiệp. Cụ thể:
  • Nhóm thiết bị công nghệ thể hiện trong máy móc, công cụ, phương tiện (Technoware) viết tắt là T; tổng điểm tối đa 45 điểm
  • Nhóm nhân lực thể hiện trong năng lực tiếp thu kỹ thuật công nghệ sản xuất (Humanware) viết tắt là H; tổng điểm tối đa 22 điểm
  • Nhóm thông tin thể hiện trong các tài liệu, dữ liệu thông tin (Inforware) viết tắt là I; tổng điểm tối đa 15 điểm
  • Nhóm tổ chức, quản lý thể hiện trong công tác tổ chức, quản lý (Orgaware) viết tắt là O; tổng điểm tối đa 18 điểm
Hệ số đóng góp công nghệ (TCC) được tính toán dựa trên số điểm đạt được của các nhóm T, H, I, O và thể hiện bằng biểu đồ hình thoi là các căn cứ để đưa ra nhận xét và kết luận trong Báo cáo kết quả đánh giá trình độ công nghệ sản xuất.
Thông tư 04/2014/TT-BKHCN đã phân loại trình độ công nghệ dựa trên tổng số điểm các thành phần công nghệ T-H-I-O (là tổng điểm các nhóm tiêu chí T-H-I-O) và hệ số đóng góp công nghệ (TCC). Cụ thể:
  • Trình độ công nghệ lạc hậu: hệ số đóng góp công nghệ TCC nhỏ hơn 0.3 hoặc tổng số điểm các thành phần công nghệ T-H-I-O nhỏ hơn 35/100 điểm (hoặc điểm tỷ lệ T-H-I-O dưới 0.35);
  • Trình độ công nghệ trung bình: hệ số đóng góp công nghệ TCC từ 0.3 trở lên và tổng số điểm các thành phần công nghệ T-H-I-O từ 35/100 điểm đến dưới 60 điểm (hoặc điểm tỷ lệ T-H-I-O từ 0.35 đến 0.6);
  • Trình độ công nghệ trung bình tiên tiến: hệ số đóng góp công nghệ TCC từ 0.5 trở lên và tổng số điểm các thành phần công nghệ T-H-I-O từ 60/100 điểm đến dưới 75/100 điểm (hoặc điểm tỷ lệ T-H-I-O từ 0.6 đến 0.75);
  • Trình độ công nghệ tiên tiến: hệ số đóng góp công nghệ TCC từ 0.65 trở lên và tổng số điểm các thành phần công nghệ T-H-I-O bằng hoặc trên 75/100 điểm (hoặc điểm tỷ lệ T-H-I-O trên 0.75).
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây